Giới thiệu về Tạp chí

Tạp chí Khoa học Đào tạo & Huấn luyện thể thao là tạp chí chuyên ngành lĩnh vực khoa học TDTT thuộc Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Tạp chí ra mắt bạn đọc từ tháng 6/2011. Ấn phẩm được phát hành bằng ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, đăng tải các công trình nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về lĩnh vực đào tạo, huấn luyện thể thao trong nước và quốc tế; Các vấn đề trao đổi về lý luận và thực tiễn TDTT; Tổng hợp các thông tin, sự kiện và nhân vật của thể thao Việt Nam và thể thao Quốc tế. Tạp chí được xuất bản định kỳ 2 tháng 1 số (6 số/1 năm) và phát hành trên toàn quốc. Ngày 4/10/2011, Tạp chí Khoa học Đào tạo & Huấn luyện thể thao đã chính thức được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp Mã số chuẩn quốc tế ISSN: 1859-4417. Tạp chí nằm trong danh mục các tạp chí được tính điểm công trình do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước quy định.
Hơn 10 năm qua, Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trong và ngoài nước công bố kết quả nghiên cứu các công trình khoa học & công nghệ các cấp. Tạp chí luôn được xuất bản đúng tiến độ. Công tác thẩm định, phản biện các bài viết được tiến hành theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng bài viết và uy tín của Tạp chí.
1. Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh (Bac Ninh Sports University)
2. Lãnh đạo đương nhiệm:
- Chủ tịch Hội đồng biên tập khoa học: PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc
- Tổng biên tập: PGS.TS. Đặng Văn Dũng
- Phó Tổng biên tập: TS. Mai Thị Bích Ngọc
3. Hội đồng biên tập Khoa học (Theo Quyết định số 247/QĐ-TDTTBN, ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh)
- Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc
- Phó Chủ tịch Hội đồng, Tổng biên tập: PGS.TS. Đặng Văn Dũng
- Phó Tổng biên tập: TS. Mai Thị Bích Ngọc
- Thư ký tòa soạn: TS. Nguyễn Thị Thu Quyết
- Trưởng ban trị sự: ThS. Lê Thị Tuyết Thương
- Thành viên Hội đồng biên tập khoa học:

+GS.TS. Nguyễn Đại Dương;
+PGS.TS. Trần Đức Dũng;
+PGS.TS. Vũ Chung Thủy;
+GS.TS. Nguyễn Kim Xuân;
+TS. Trương Anh Tuấn;
+GS.TS. Đinh Quang Ngọc;
+PGS.TS. Tạ Hữu Hiếu;
+PGS.TS. Trần Tuấn Hiếu;
+PGS.TS. Bùi Ngọc;
+PGS.TS. Ngô Trang Hưng;
+TS. Trần Đức Phấn;
+TS. Nguyễn Thành Trung;
+PGS.TS. Đặng Hà Việt;
+PGS.TS. Châu Vĩnh Huy;
+PGS.TS. Phan Thanh Hài;
+PGS.TS. Nguyễn Duy Quyết;
+TS. Lê Trí Trường;
+GS.TS. Chen Ang;
+GS.TS. Yuri Viktorovich Baykovsky;
+GS.TS. Asyl Yakupovna Gabbazova;
+GS. Wu Ying;
+GS. Ma Hai Feng;
+Lin Wen Lang;
+Naruepon.
4. Giấy phép hoạt động báo chí:

Cấp lần đầu: Số 401/GP-BTTTT ngày 23 tháng 3 năm 2011 cấp giấy phép hoạt động tạp chí in (có hiệu lực trong 10 năm); 

Cấp lại lần 1: Số 433/GP-BTTTT ngày 25 tháng 8 năm 2022 cấp giấy phép hoạt động tạp chí in (Không có thời hạn hết hiệu lực)

Giấy phép hiện tại: Số 116/GP-BTTTT ngày 8 tháng 5 năm 2024 cấp giấy phép hoạt động tạp chí in và tạp chí điện tử (Không có thời gian hết hiệu lực)
5. Tôn chỉ, mục đích:
Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao ưu tiên thông tin về:
- Các hoạt động của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh trong đào tạo, huấn luyện Thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ Thể dục thể thao và phục vụ cộng đồng;
- Thông tin chuyên sâu, đăng tải kết quả các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, người học trên các lĩnh vực khoa học Thể dục thể thao; đào tạo và huấn luyện thể thao;
- Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, người học;
- Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho cán bộ, giảng viên, người học;
- Góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín để nâng cao vị thế của Nhà trường trong hoạt động đào tạo, huấn luyện Thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ Thể dục thể thao và phục vụ cộng đồng.
6. Mã số chuẩn quốc tế (ISSN) của tạp chí: 1859-4417
7. Thể thức xuất bản:
- Ngôn ngữ thể hiện: Tiếng Việt, Tiếng Anh
- Kỳ hạn xuất bản: 02 tháng/ kỳ
8. Phương thức phát hành: Qua bưu điện và tự phát hành. Có nhận đặt mua dài hạn. Giá bán: 30.000 đồng
9. Tòa soạn:
Tòa nhà Thư viện, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Phường Trang Hạ, Thành phố Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh
Điện thoại: (+84) 222.2217765 Fax: (+84) 222.3832550
Email: [email protected]
10. Bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước các ngành, liên ngành hữu quan tính điểm công trình (tối đa 0.75 điểm)
THỂ LỆ VIẾT VÀ GỬI BÀI
1. Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao công bố và giới thiệu các bài viết về các lĩnh vực:
- Lý luận và thực tiễn TDTT: Chuyên mục đăng tải các quan điểm lý luận về đào tạo và huấn luyện thể thao, các vấn đề về TDTT trong thực tiễn, đồng thời là diễn đàn trao đổi các thông tin mới, kiến thức chuyên ngành về đào tạo, huấn luyện TDTT.
- Bài báo khoa học: Công bố kết quả nghiên cứu các công trình khoa học thuộc các lĩnh vực: Giáo dục thể chất và thể thao trường học; Huấn luyện thể thao; Quản lý TDTT và thể thao cho mọi người; Y sinh – dinh dưỡng TDTT và Tâm lý học TDTT.
- Tin tức – Sự kiện và Nhân vật TDTT: Chuyên mục đăng tải các tin tức, sự kiện hay tổng kết các sự kiện và các nhân vật tiêu biểu của TDTT.
Nội dụng công bố chưa được gửi đăng ở bất kỳ bản tin, tạp chí nào khác trong nước và quốc tế.
2. Bài viết được soạn thảo trên máy vi tính, bản thảo gửi đăng gồm một bản in chính và một bản điện tử. Bài viết dài không quá 10 trang A4 (font chữ Time New Roman hoặc .Vntime, cỡ chữ 13, cách dòng 1.5lines, lề trái 3cm, lề phải 2cm, lề trên và dưới 2.5cm). Hình vẽ minh họa hoặc ảnh (nếu có) trình bày với kích thước không quá 7x14cm. Minh họa được chia làm hai loại: Hình và bảng. Bản thảo nếu có minh họa phải đặt đúng vị trí và chú thích rõ ràng.
3. Bài viết, biên dịch được trình bày rõ ràng, dùng thuật ngữ khoa học, các đơn vị đo lường được sử dụng theo quy định do Nhà nước ban hành. Các thuật ngữ khoa học nếu chưa được việt hóa thì ưu tiên dùng nguyên bản tiếng Anh.
4. Cấu trúc bài viết:
-Với bài viết thuộc phầ 1 – Lý luận và thực tiễn TDTT và phần 3 – Tin tức, sự kiện và nhân vật, cần ghi rõ tác giả, học hàm, học vị, đơn vị công tác và số điện thoại liên lạc để trao đổi nội dung bài viết và thông tin về tình hình sử dụng bài viết. Với các bài dịch, cần ghi rõ nguồn dịch.
- Với các bài báo khoa học cần đầy đủ các phần:
+ Tên bài báo: bằng tiếng Việt và tiếng Anh
+ Tác giả bài báo (ghi rõ học hàm, học vị, họ và tên, đơn vị công tác, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email)
+ Tóm tắt: bằng tiếng Việt và tiếng Anh
+ Từ khóa: bằng tiếng Việt và tiếng Anh
+ Đặt vấn đề
+ Phương pháp nghiên cứu
+ Kết quả nghiên cứu và bàn luận
+ Kết quả
+ Tài liệu tham khảo (không quá 10 đơn vị, được trình bày theo quy định nghiên cứu khoa học hiện hành).
+ Nguồn bài báo: Bài báo được trích từ công trình nghiên cứu khoa học nào? Cấp nào? Đã hoàn thành chưa? Thời gian nghiệm thu
Mỗi bài viết khi đăng tải trên tạp chí nộp kinh phí: 700.000 đồng (đối với bài viết đăng bằng tiếng Việt) và 100 USD với bài đăng bằng tiếng Anh.
5. Bài viết được gửi thường xuyên, không hạn chế về số lượng bài.
Tình hình sử dụng bài đăng sẽ được thông báo với tác giả thông qua số điện thoại trên bài viết.
6. Mỗi tác giả được tặng 01 cuốn tạp chí có bài đăng.
Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao không nhận đăng các bài viết không đúng với các quy định nói trên.
TUYÊN BỐ ĐẠO ĐỨC XUẤT BẢN
Công tác xuất bản Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao là một quy trình khép kín từ việc nhận bài, đọc thẩm định, biên tập đến chỉnh sửa lỗi chính tả, đọc morat hay chuyển in, phát hành. Ở mỗi một khâu đều phải thống nhất các tiêu chuẩn về hành vi đạo đức cho tất cả các bên liên quan đến hoạt động xuất bản, bao gồm trách nhiệm của tác giả, người thẩm định, biên tập, nhà xuất bản....
1. Trách nhiệm của tác giả
- Quyền tác giả: Chỉ những cá nhân có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu mới có quyền tác giả về bài viết.
- Tiêu chuẩn về bản thảo bài viết: Tác giả/Các tác giả cần cung cấp bản thảo bài viết đến Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao (sau đây là Tạp chí) về kết quả nghiên cứu chưa từng được công bố/xuất bản tại bất kỳ ấn phẩm/trang thông tin nào. Tác giả/Các tác giả cũng nên trình bày khách quan về tầm quan trọng của bài nghiên cứu.
- Tính nguyên bản của bản thảo, đạo văn và xác nhận nguồn: Tác giả/Các tác giả cần đảm bảo tính nguyên bản của bài viết trước khi gửi đến Tạp chí. Nếu tác giả sử dụng tài liệu hay lời trích dẫn của các nhà khoa học khác, thì tác gỉả cần phải trích dẫn, trích nguồn hoặc xin phép được sử dụng tài liệu đó trong nghiên cứu.
- Truy cập và lưu trữ tài liệu: Dữ liệu, tài liệu tham khảo và các thông tin khác trong bài nghiên cứu phải được trình bày chính xác và đầy đủ để có thể được nhân rộng nghiên cứu. Nếu trong bài viết có sự gian lận hoặc cố ý đưa ra các nhận định không chính xác thì tác giả/các tác giả được coi là có hành vi phi đạo đức. Tác giả/Các tác giả cần cung cấp dữ liệu hỗ trợ nghiên cứu cho quá trình biên tập và truy cập công khai vào dữ liệu đó. Dữ liệu trong bài viết cần được lưu giữ trong một thời gian hợp lý sau khi xuất bản.
- Nhiều ấn phẩm: Tác giả/Các tác giả không xuất bản các bản thảo có cùng một nội dung nghiên cứu trên nhiều hơn một tạp chí hoặc đơn vị xuất bản.
- Tuyên bố về xung đột lợi ích: Trong bản thảo bài viết, tất cả tác giả cần nêu rõ các mối quan hệ cá nhân và các nguồn tài chính với những cá nhân khác hoặc các tổ chức có khả năng tác động không phù hợp đến công trình nghiên cứu. Tác giả/Các tác giả cần liệt kê cụ thể các nguồn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện nghiên cứu và/hoặc hoàn thiện bài viết. Nếu nguồn tài trợ không có bất kỳ sự liên quan nào thì tác giả/các tác giả cũng cần phải tuyên bố rõ ràng trong bài viết. Các tác giả cần trình bày sớm nhất có thể những mâu thuẫn tiềm ẩn về quyền lợi liên quan đến bài viết.
- Thông báo về các sai sót trong ấn phẩm đã xuất bản: Khi tác giả/các tác giả phát hiện có sai sót trong bài viết đã xuất bản thì phải thông báo ngay cho Ban Biên tập của Tạp chí để rút bài hoặc sửa chữa những nội dung cụ thể trong bài viết nếu Ban Biên tập nhận thấy cần thiết. Nếu Ban Biên tập và Tạp chí nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, thì tác giả/các tác giả có trách nhiệm hợp tác kịp thời cùng với Ban Biên tập, bao gồm việc cung cấp đầy đủ bằng chứng cho Ban Biên tập khi được yêu cầu.
2. Trách nhiệm của chuyên gia phản biện, biên tập
- Đóng góp trong quyết định biên tập: Nhiệm vụ của các nhà khoa học - chuyên gia phản biện nhằm hỗ trợ Ban Biên tập Tạp chí đưa ra quyết định trong quá trình biên tập và thông qua nhận xét cụ thể các nghiên cứu, từ đó hỗ trợ tác giả/các tác giả và Tạp chí nâng cao chất lượng bài viết. Khi chuyên gia phản biện được Tạp chí mời mà nhận thấy bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện phản biện nghiên cứu được gửi đến hay biết rằng nếu thực hiện phản biện cũng sẽ không mang tính khả thi thì cần phải thông báo ngay cho Ban Biên tập và gửi thư từ chối lời mời tham gia vào quy trình phản biện của Tạp chí.
- Tính bảo mật: Bất kỳ bản thảo nào đang trong quy trình phản biện của Tạp chí thì đều được xem như là tài liệu bảo mật. Chuyên gia phản biện không được chia sẻ tất cả các đánh giá hoặc thông tin về bài viết với bất kỳ ai hay liên hệ trực tiếp với tác giả mà không được sự đồng ý của Ban Biên tập. Chuyên gia phản biện không được sử dụng các tài liệu/kết quả nghiên cứu trong bản thảo bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả/các tác giả.
- Cảnh báo về các vấn đề đạo đức: Các chuyên gia phản biện cần có nhận thức cao về các vấn đề xung đột lợi ích tiềm ẩn liên quan đến bài viết và thông báo ngay đến Ban Biên tập, bao gồm bất kỳ sự tương đồng và trùng lặp đáng kể giữa các bản thảo đang xem xét với các bài viết đã được công bố mà chuyên gia phản biện biết đến.
- Tiêu chuẩn về tính khách quan: Công tác phản biện cần được thực hiện một cách khách quan mà không có sự thiên lệch mang tính cá nhân nào trong quá trình phản biện bản thảo. Việc phê bình cá nhân tác giả/các tác giả đang gửi bản thảo bài viết được coi là không phù hợp. Nếu chuyên gia phản biện đề xuất tác giả đưa trích dẫn nghiên cứu của mình (hoặc cộng sự) vào bài viết thì đó là vì lý do khoa học chính đáng chứ không phải vì mục đích làm tăng số trích dẫn bài nghiên cứu hay nâng cao tính minh bạch của công trình nghiên cứu của mình (hoặc cộng sự).
3. Nhiệm vụ của Ban Biên tập
- Quyết định xuất bản: Ban Biên tập của Tạp chí chịu hoàn toàn trách nhiệm và độc lập đối với việc quyết định đăng tải và xuất bản các bài viết gửi về Tạp chí. Mọi thành viên Ban Biên tập phải tuân thủ các chính sách của Tạp chí và chịu sự ràng buộc từ các quy định pháp luật khác.
- Phản biện của chuyên gia: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính công bằng, không thiên vị và đúng hạn trong quy trình phản biện. Bài viết phải được phản biện bởi ít nhất 2 chuyên gia độc lập bên ngoài và khi cần thiết thành viên Ban Biên tập có thể tham khảo thêm các ý kiến khoa học khác. Thành viên Ban Biên tập cần lựa chọn chuyên gia phản biện có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của bài viết để tránh việc lựa chọn các chuyên gia phản biện không phù hợp.
- Tính công bằng: Thành viên Ban Biên tập đánh giá bản thảo gửi đến Tạp chí dựa trên nội dung khoa học. Ban Biên tập cần thiết lập một cơ chế minh bạch để đưa ra các quyết định biên tập các bài viết của Tạp chí.
- Tính bảo mật: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính bảo mật của tất cả các bản thảo gửi đến Tạp chí và các cuộc trao đổi với chuyên gia phản biện. Thành viên Ban Biên tập cần giữ kín thông tin về các chuyên gia phản biện và không được phép sử dụng các thông tin trong bản thảo để phục vụ cho mục đích cá nhân.
- Công khai về xung đột lợi ích: Thành viên Ban Biên tập không được tham gia vào quy trình xét duyệt các bài viết mà họ tự viết hoặc các thành viên gia đình, đồng nghiệp tham gia viết, hay là bất cứ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ mà trong đó thành viên Ban Biên tập được hưởng lợi ích.